Tăng huyết áp ở trẻ em là tình trạng huyết áp bình thường đo được của trẻ liên tục cao hơn mức thông dụng ở 95% số trẻ cùng độ tuổi, giới tính và chiều cao. Phần lớn tăng huyết áp ở trẻ em là có nguyên nhân và thường là hậu quả của một bệnh lý khác như tim, thận, não…
1. Chẩn đoán cao huyết áp ở trẻ em
Tăng huyết áp ở trẻ em là một trong những bệnh lý tim mạch được quan tâm nhiều ở trẻ em và được xác định là yếu tố nguy cơ cho Tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác khi trưởng thành. Tình trạng béo phì và lối sống thụ động ngày càng phổ biến ở trẻ em đã làm cho tần suất phát hiện Tăng huyết áp ở trẻ em được ghi nhận nhiều hơn.
Theo đó, phương pháp chẩn đoán Tăng huyết áp ở trẻ em dựa theo tuổi, giới tính và chiều cao với các mức bách phân vị 50th, 90th, 95th, 99th của trị số Huyết áp tâm thu và Huyết áp tâm trương.
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu và Huyết áp tâm trương < 90th bách phân vị theo tuổi, giới tính và chiều cao.
- Huyết áp bình thường – cao (được coi như tiền tăng huyết áp): Huyết áp tâm thu trung bình và/hoặc Huyết áp tâm trương trung bình ≥ 90th nhưng < 95th bách phân vị; ≥ 120/80 mmHg và < 95th bách phân vị ở trẻ lớn và thanh thiếu niên.
- Tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu trung bình và/hoặc Huyết áp tâm trương trung bình ≥ 95th bách phân vị theo tuổi, giới tính, chiều cao ở ít nhất 3 lần đo khác nhau.
- Tăng huyết áp áo choàng trắng: Trị số huyết áp ≥ 95th bách phân vị ở bệnh viện/ phòng khám nhưng < 90th bách phân vị ở ngoài viện.
2. Biến chứng cao huyết áp ở trẻ em
Tăng huyết áp nặng có nguy cơ gây ra các biến chứng như bệnh lý não, co giật, tai biến mạch máu não và suy tim. Thậm chí, khi Huyết áp không tăng nghiêm trọng nhưng cũng có thể gây tổn thương khi tình trạng Tăng huyết áp kéo dài mà không được can thiệp thích hợp. Chỉ số huyết áp cao có thể gây ra những biến chứng cao huyết áp ở trẻ em có thể kể đến như sau:
Phì đại thất trái
Phì đại thất trái là bằng chứng rõ ràng và hay gặp nhất về tổn thương trong tăng huyết áp ở trẻ em. Khi Huyết áp của trẻ vượt trên bách phân vị thứ 95 theo tuổi, giới tính và chiều cao là ngưỡng cho thấy có liên quan chặt đến phì đại thất trái. Như vậy, phì đại thất trái có thể xảy ra sớm khi ở thời kỳ trẻ em và cần phải được phát hiện sớm một khi có chẩn đoán tăng huyết áp.
Tổn thương mạch máu và võng mạc
Siêu âm mạch máu có thể tìm thấy những thay đổi trong cấu trúc và chức năng co dãn của hệ thống mạch máu có liên quan đến tăng huyết áp.
Trẻ em bị Tăng huyết áp cũng ghi nhận mối liên đến bệnh lý mạch máu võng mạc. Tần suất bất thường võng mạc do Tăng huyết áp ở trẻ xảy ra khoảng 50% các trường hợp, nhưng sau khi điều trị ổn định Tăng huyết áp các bất thường này biến mất.
Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh trong Tăng huyết áp ở trẻ em thường xảy ra trong Tăng huyết áp nặng với các biểu hiện bệnh não do Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, co giật, liệt nửa người. Tiên lượng của bệnh não do Tăng huyết áp ở trẻ em tương đối tốt hơn so với người lớn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đột quỵ, suy thận
Nếu tăng huyết áp vẫn còn dai dẳng ở tuổi trưởng thành, trẻ em có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, cơn đau tim, suy tim và bệnh thận.
3. Điều trị cao huyết áp ở trẻ em
Các liệu pháp điều trị cao huyết áp ở trẻ em tùy thuộc vào mức độ Tăng huyết áp Các liệu pháp điều trị bao gồm:
3.1 Thay đổi lối sống
- Giảm cân là biện pháp điều trị đầu tiên ở những người tăng huyết áp do béo phì. Dự phòng thừa cân sẽ hạn chế nguy cơ tiến triển thành Tăng huyết áp.
- Nên hướng trẻ tham gia vui chơi, hoạt động ngoài trời, tập thể dục, khuyến khích trẻ năng động và yêu thích, đam mê, luyện tập môn thể thao nào đó. Hạn chế việc trẻ ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, xem tivi, chơi game,…
- Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, khoa học. Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần được tính toán lượng dinh dưỡng và các loại dinh dưỡng phù hợp, khoa học, cân bằng. Nên cho trẻ hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường, dầu mỡ, mặn, những thức ăn nhanh, đồ uống có đường. Cùng với đó là tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau xanh.
- Trẻ cũng có thể bị Stress khi áp lực học hành quá lớn, tâm lý căng thẳng mệt mỏi từ cha mẹ, bạn bè, gia đình… Mà đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Vì vậy, hãy cùng trẻ đối phó với Stress.
3.2 Liệu pháp dùng thuốc
- Nếu tăng huyết áp của trẻ nặng hoặc không đáp ứng với thay đổi lối sống, bác sĩ có thể kê toa thuốc. Có thể sẽ mất một thời gian để tìm được loại thuốc phù hợp nhất để kiểm soát huyết áp cao với tác dụng phụ ít nhất.
- Khi trẻ bị tăng huyết áp có chỉ định dùng thuốc điều trị, nên khởi đầu với 1 thuốc. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được chấp nhận sử dụng cho trẻ em bao gồm: UCMC, UCTT, Chẹn Beta giao cảm, CCB, và thuốc lợi tiểu.
- Những nghiên cứu gần đây đã mở rộng thêm số lượng các thuốc điều trị tăng huyết áp trẻ em và liều dùng của các thuốc mới cũng được khuyến cáo.
- Khi khởi trị, nên bắt đầu với liều thấp nhất sau đó tăng dần liều cho đến khi đạt được Huyết áp mục tiêu. Khi đã dùng thuốc với liều tối đa hoặc trẻ bị tác dụng không mong muốn của thuốc, nên thêm vào thuốc thứ 2 để điều trị.
- Việc phối hợp thuốc nên dựa trên cơ chế tác dụng bổ trợ giữa các nhóm thuốc như: phối hợp UCMC + lợi tiểu, thuốc giãn mạch + lợi tiểu hoặc chẹn Beta.
- Trong điều trị là phải theo dõi sát chỉ số huyết áp cũng như biến chứng cơ quan đích, tác dụng phụ của thuốc, điện giải đồ ở trẻ dùng UCMC hoặc lợi tiểu cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Nhìn chung, dấu hiệu nhận biết cao huyết áp ở trẻ em không rõ ràng, cách tốt nhất để cha mẹ phát hiện sớm trẻ mắc bệnh là qua kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Khi trẻ bị Huyết áp cao, bậc phụ huynh hãy kiểm soát bằng cách tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ cẩn thận; tập cho con có một lối sống lành mạnh và hãy chắc chắn rằng huyết áp của con bạn được kiểm tra thường xuyên theo khuyến cáo của bác sĩ để bạn có thể giúp trẻ kiểm soát cao huyết áp và để chúng tận hưởng một cuộc sống lành mạnh.
Nguồn: Vinmec.